TĂNG CƯỜNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN TẠI TUYẾN CƠ SỞ
Trong không khí sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua dân vận khéo năm 2025 do Đảng ủy Sở Y tế phát động, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực, xây dựng nên nhiều mô hình dân vận mang đậm dấu ấn sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị. Trong đó có mô hình mang tên “Tăng cường chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền tại tuyến cơ sở” được triển khai từ năm 2024 đến nay đã gặt hái được những thành quả to lớn, góp phần mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng và toàn xã hội.
Mô hình “Tăng cường chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền tại tuyến cơ sở” được xây dựng trên nền tảng ba trụ cột vững chắc: thứ nhất, nâng cao năng lực y học cổ truyền cho đội ngũ y tế ở tuyến cơ sở; thứ hai, phổ biến kiến thức về dược liệu cổ truyền cho nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở và một số vị thuốc, bài thuốc thường dùng cho người dân; thứ ba, tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số.
TTƯT, BSCKII Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết của mô hình dân vận khéo này trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của y học cổ truyền, góp phần thiết thực vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Xuất phát từ mục tiêu cao đẹp đó, Chi bộ Bệnh viện đã thể hiện quyết tâm cao độ, huy động toàn bộ nguồn lực, xác định đội ngũ cán bộ nhân viên y tế là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, Ban Giám đốc Bệnh viện trực tiếp tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động các khoa, phòng cùng chung tay thực hiện mô hình dân vận “Tăng cường chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền tại tuyến cơ sở” với kỳ vọng mang lại những hiệu quả tích cực và sâu rộng cho người bệnh và cộng đồng.
1.Nâng cao năng lực y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở – Chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước
Thấm nhuần chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về việc kết hợp hài hòa giữa y học cổ truyền và Y học hiện đại, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã triển khai nội dung “Nâng cao năng lực y học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở” một cách bài bản. Điển hình là việc tổ chức thành công Hội nghị tập huấn chuyên môn với chủ đề “Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị một số bệnh lý và phổ biến một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15”. Hội nghị không chỉ cập nhật những kiến thức chuyên môn mới nhất mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết để kết hợp hiệu quả y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị các bệnh lý thường gặp. Diễn ra từ ngày 27/5 đến 21/6/2024 với hai chương trình và bốn lớp tập huấn, sự kiện này đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của đội ngũ nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế, trung tâm y tế, Hội Đông y các quận huyện cùng các cán bộ y tế đến từ nhiều đơn vị khác trong thành phố.
TTƯT, BSCKII Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền phát biểu khai mạc Hội nghị
Điểm đặc biệt của hội nghị chính là sự góp mặt của các chuyên gia uy tín trong nhiều lĩnh vực với vai trò là báo cáo viên, tiêu biểu như chuyên gia Virginia Mary Lockett đến từ Tổ chức Steady Footsteps, Inc-Hoa Kỳ; TsBs Phan Hoài Trung – Nguyên Phó Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân Đội và Lương y Phan Công Tuấn – Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng.
Chuyên gia Virginia Mary Lockett đến từ Tổ chức Steady Footsteps, Inc-Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm
TsBs Phan Hoài Trung – Nguyên Phó Giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân Đội tuyên truyền, phổ biến kiến thức
Lương y Phan Công Tuấn – Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng chia sẻ kiến thức và hướng dẫn thực hiện kỹ thuật hỏa long cứu tại Hội nghị
Chương trình tập huấn đã mang một ý nghĩa thiết thực, đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức y khoa cho cán bộ y tế ở mọi tuyến, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân thành phố Đà Nẵng một cách toàn diện.
2. Vườn trị liệu – Nơi ươm mầm tri thức về dược liệu cổ truyền
Với mục tiêu phổ biến kiến thức về dược liệu cổ truyền và các phương pháp dưỡng sinh trị liệu nói chung cho nhân viên y tế tuyến cơ sở và người dân, mô hình vườn trị liệu được nâng cấp từ hạng mục Vườn thuốc nam đã trở thành một hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, được UBND thành phố đầu tư. Bước đầu, Ban Quản lý dự án đã thiết kế và xây dựng một khu vườn trị liệu rộng hơn 2000m2 ngay trong khuôn viên Bệnh viện. Khu vườn này quy tụ những loài cây thuốc được chọn lọc từ 300 loài cây thuốc trong cuốn sách “Cây thuốc Đà Nẵng” – một thành quả nghiên cứu khoa học cấp thành phố mà Bệnh viện đóng vai trò quan trọng.
Mỗi cây thuốc trong vườn đều được gắn bảng chỉ dẫn chi tiết, bao gồm tên thường dùng, tên khoa học, bộ phận sử dụng, tác dụng dược lý và các chứng bệnh chủ trị. Tất cả các loài cây được trồng trong vườn thuốc mẫu đều mang lại hiệu quả tích cực trong việc hỗ trợ và điều trị các bệnh lý thông thường như đau xương khớp, các vấn đề về tiêu hóa, cảm cúm, sốt, ho, dị ứng, thanh nhiệt giải độc,…
Việc xây dựng, duy trì và phát triển vườn trị liệu không chỉ tạo ra một mô hình trực quan sinh động mà còn cung cấp nguồn dược liệu quý giá cho Bệnh viện. Đồng thời, đây còn là nơi giới thiệu, giáo dục cho bệnh nhân và nhân viên y tế về ý nghĩa sâu sắc của việc bảo tồn và lưu giữ các cây thuốc quý dân tộc và các phương pháp điều dưỡng thân tâm, phục hồi chức năng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, khu vườn còn góp phần tạo nên một cảnh quan xanh mát, sạch đẹp cho khuôn viên Bệnh viện. Hàng năm, vườn trị liệu còn là điểm đến tham quan, học tập thực tế của nhiều đoàn sinh viên đến từ Học viện Y – Dược cổ truyền Việt Nam và các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giúp các em củng cố và bổ sung kiến thức chuyên môn.
Để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về dược liệu một cách nhanh chóng và kịp thời, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã phát triển phần mềm điện tử “Cây thuốc Đà Nẵng”. Đây là phiên bản số hóa từ cuốn sách cùng tên, được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2020. Phần mềm này đã trở thành một công cụ hữu ích, giúp sinh viên và nhân viên y tế dễ dàng tìm hiểu các thông tin khoa học và kinh nghiệm ứng dụng nguồn dược liệu bản địa, phục vụ hiệu quả cho công tác khám và điều trị bệnh tại cơ sở.
3.Khám chữa bệnh y học cổ truyền cho những hoàn cảnh khó khăn – Thấm đượm tinh thần nhân văn
Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nội dung quan trọng trong công tác dân vận mà Đảng ủy Sở Y tế đã tin tưởng giao phó cho Chi bộ Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 – 29/3/2025), Bệnh viện đã tổ chức chương trình khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hơn 120 người dân thuộc các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người cao tuổi và những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang.
Đây là một hành động tri ân sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình đã lan tỏa một tinh thần sẻ chia mạnh mẽ, thu hút sự tham gia nhiệt tình và đầy trách nhiệm của Ban Giám đốc và đông đảo đội ngũ y bác sĩ tận tâm của Bệnh viện.
Đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền khám, chữa bệnh thiện nguyện cho gia đình chính sách tại xã Hòa Phú
Tại Trạm Y tế xã Hòa Phú, đoàn y bác sĩ đã tiến hành thăm khám, tư vấn điều trị và phòng bệnh bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. Bên cạnh đó, các kỹ thuật cận lâm sàng như siêu âm, đo điện tim và các liệu pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, hồng ngoại, điện xung, xoa bóp bấm huyệt, hỏa long cứu, giác hơi cũng được triển khai. Thể hiện sự quan tâm toàn diện, Bệnh viện còn tận tâm cấp phát các chế phẩm thuốc y học cổ truyền an toàn, hiệu quả và trao tặng những phiếu quà tặng khám, điều trị miễn phí cho các dịch vụ tại Bệnh viện, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về chi phí y tế.
Nhân viên y tế Bệnh viện khám bệnh và cấp phát, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm thuốc y học cổ truyền
BsCKI Nguyễn Phương Thảo – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện cho biết chương trình khám chữa bệnh được tổ chức xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện và những hành động thiết thực. Bà nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để Bệnh viện bày tỏ sự biết ơn và quan tâm sâu sắc đến sức khỏe của những người có công với cách mạng. Đồng thời, sự thành công của chương trình tại Trạm y tế xã Hòa Phú sẽ là động lực để Bệnh viện tiếp tục tổ chức các chuyến thiện nguyện khám chữa bệnh đến những vùng đất còn nhiều khó khăn hơn trong tương lai.
Để hiện thực hóa mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền, mô hình dân vận khéo đã được Bệnh viện triển khai một cách bài bản, đồng bộ và khoa học. Phương án thực hiện mô hình đã trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt của Ban Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo sát sao và giám sát chặt chẽ từ Đảng ủy Sở Y tế đã tạo điều kiện thuận lợi để mô hình được triển khai đúng hướng và hiệu quả. Nhờ vậy, sau một thời gian nỗ lực thực hiện, mô hình đã mang lại những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân Đà Nẵng và cộng đồng nói chung.
Nguyễn Thị Thương – Nguyễn Thị Diễm