Bấm huyệt: Lấy ngón tay cái, trỏ hoặc giữa (ngón tay đã cắt móng để không làm hại da), ấn vào huyệt với một áp lực vừa đủ mạnh, làm đau mà bệnh nhân có thể chịu được trong 5 -10 giây.
Xong rồi day huyệt bằng cách giữ nguyên điểm bấm huyệt như trên và vận động ngón tay đã bấm xung quanh điểm bấm huyệt theo vòng tròn độ 5 - 10 giây.
Dưới đây là công thức day bấm huyệt
I. Tăng cường bộ máy tiêu hóa: Hợp cốc, Túc tam lý, Công tôn
1. Hợp cốc (Kinh Thủ dương minh đại trường)
Mở to ngón tay cái và trỏ hết cỡ, huyệt ở sát góc 2 xương bàn tay, gần xương ngón trỏ hơn. Huyệt ở chỗ lõm.
Hình huyệt Hợp cốc
Tác dụng: Trị đau đầu, đỏ mắt, chảy máu cam, đau răng, điếc tai, sưng mặt, hầu họng sưng đau. Ngón tay co giật, hàm răng cắn chặt, miệng méo lệch, sốt không ra mồ hôi, mồ hôi ra nhiều, bế kinh, đẻ khó, đau bụng, táo bón, kiết lỵ.
2. Túc tam lý (Túc Dương Minh Vị)
Huyệt ở bờ ngoài xương chày 1 khoát ngón tay ở dưới và ở ngoài lồi củ xương chày 1 khoác ngón tay.
Hình huyệt Túc Tam Lý
Tác dụng: Tăng sức khỏe chung, chủ trị đau dạ dày, bụng đầy, tiêu hóa kém, nôn mửa, ỉa chảy, táo bón, kiết lỵ, nhứt đầu, viêm vú, trúng gió, bại liệt, phù thủng, gối, cẳng chân đau nhức
3. Công tôn (Kinh Túc Thái Âm Tỳ)
Ở chỗ bờ dưới đáy xương bàn chân thứ nhất, nơi giáp giới 2 màu da. Ngồi co hai chân lại mà lấy huyệt, rồi dùng ngón tay cái mà bấm huyệt công tôn, ngón tay trỏ bấm huyệt thái xung.
Hình huyệt công tôn
Tác dụng: chữa đau dạ dày, nôn mửa, sôi bụng, đau bụng, ỉa chảy, kiết lỵ
II. Huyệt Bổ Tạng Phủ
Bằng cách tập luyện thở, bộ máy hô hấp được tập luyện hàng ngày, chức năng của bộ máy hô hấp được nâng lên. Một số huyệt sau đây sẽ giúp tăng cường chức năng tạng phủ, cụ thể là huyệt đản trung và thần môn, thái xung, chương môn, dũng tuyền, tam âm giao.
1. Đản trung
Vị trí: Điểm gặp nhau giữa đường ngực và đường nối hai đầu vú, chỗ lõm ngay khe liên sườn 4.
Hình ảnh huyệt
Chủ trị: Đau tim, suyễn, ợ nấc, sản phụ thiếu sữa
2. Thần môn
Vị trí: Ở vùng khớp xương của xương trụ và xương đầu cổ tay
Hình ảnh huyệt
Chủ trị: Đau tim, tim hồi hộp, mất ngủ, trong lòng hay quên, điên cuồng.
3. Nội quan:
Vị trí: Trên nếp gấp cổ tay 2 thốn, ở giữa gân co dài gan bàn tay và gân co cổ tay (phía ngoài)
Chủ trị: Đau tim, tim đập, đau dạ dày, nôn mửa, điên cuồng, co giật, khuỷu và cánh tay co giật đau, bệnh nhiệt, sốt rét.
4.Thái xung
Vị trí: Ở khe giữa của 2 xương bàn chân thứ nhất và thứ nhì
Chủ trị: Băng huyết, rong huyết, són đái, bí đái, hông tức đầy, khát nước, trẻ em kinh phong, kinh giật, đau đầu, choáng váng, mất ngủ.
5.Chương môn
Vị trí: Ở phía bên bụng, ngay đầu xương cụt thứ 11
Chủ trị: nôn mửa, bụng chướng, ỉa chảy, tỳ vị hư nhược, đau lưng, đau kẽ sườn
6.Kinh môn
Vị trí: Ở phía bên bụng, ngay đầu xương sườn cụt thứ 12
Chủ trị: Bệnh đường mật, viêm túi mật, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy, đầy bụng, đau cạnh sườn, đau lưng
7.Dũng tuyền
Vị trí: Ở điểm giáp 1/3 trước và 2/3 sau của lòng bàn chân. Lấy huyệt bằng cách dúm bàn chân lại, có lõm vào, đó là huyệt.
Chủ trị: Làm hạ huyết áp, trị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, hầu họng sưng đau, lưỡi khô, mất tiếng, bí tiểu tiện, đại tiện khó, trẻ em kinh phong.
8. Tam âm giao
Vị trí: Trên chỏm mắt cá trong 4 khoát ngón tay, ở bờ sau xương chày. Đây là huyệt giao nhau giữa 3 kinh can, tỳ, thận
Chủ trị: Có ảnh hưởng tốt đến bệnh của 3 kinh: tỳ vị hư nhược, sôi bụng, đầy bụng, phân lỏng, rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt không đều, băng huyết, khí hư, sa dạ con, bế kinh, đẻ khó, di tinh, đau dương vật, phù thũng, tiểu tiện khó, đái dầm, chân liệt, đau khớp, mất ngủ.
III. Huyệt bổ khí
Lúc ta mệt, yếu hơi, tiếng nói yếu ớt, không đủ sức hoàn thành công việc thì nên dùng 2 huyệt khí hải và quan nguyên. Đây là 2 huyệt giúp tăng cường nguyên khí của cơ thể.
Vị trí: Chia khoảng cách giữa rốn và bờ xương mu làm 5 khoảng bằng nhau. Khí hải cách rốn 1 khoảng rưỡi, quan nguyên cách rốn 3 khoảng.
IV. Huyệt cấp cứu
1. Nhân trung:
Vị trí: Ở dưới sống mũi, điểm giáp giới 1/3 trên và 2/3 dưới của rãnh nhân trung
Chủ trị: Điên cuồng, kinh giật, trẻ em kinh phong, trúng phong, hôn mê, hàm răng nghiến chặt, miệng mắt méo lệch, sưng mặt, xương sống đau cứng.
2. Bách hội:
Vị trí: Điểm giữa đường nối hai bên đầu đỉnh nhọn vành tai.
Chủ trị: Điên cuồng, trúng phong, đau đầu, váng đầu, ù tai, hoa mắt, ngạt mũi, lòi dom, sa dạ con