Thời gian gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng tiếp nhận nhiều bệnh nhân liệt dây thần kinh số 7 gây, méo miệng, nhắm mắt không kín do nhiễm lạnh. Liệt dây thần kinh số 7 phổ biến ở mọi lứa tuổi, thậm chí với cả trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Như trường hợp bệnh nhân ( NLT, 8 tuổi, ở Quảng Nam), ngủ dậy thấy mắt phải nhắm không kín, súc miệng nước trào ra ở khóe miệng phải, nhân trung bị lệch trái,miệng méo sang trái, nên người nhà đưa đến khám. Được bác sĩ chẩn đoán liệt dây thần kinh VII ngoại biên (P) do lạnh và được chỉ định châm cứu kết hợp với xoa bóp bấm huyệt, chườm thuốc y học cổ truyền. Sau 10 ngày điều trị khuôn mặt của NLT đã trở lại bình thường.
Trường hợp anh NVA (55 tuổi, ở Sơn Trà, Đà Nẵng) bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do bị viêm tai giữa đã lâu không được điều trị dứt điểm nay tắm đêm bằng nước lạnh. Bệnh nhân đã điều trị một số nơi nhưng không có kết quả tốt. Khi đến bệnh viện Y học cổ truyền bệnh bệnh nhân bị liệt mặt đã hơn 3 tuần và được bác sĩ chỉ định châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp và kết hợp dùng thuốc. Sau hơn 4 tuần điều trị, anh NVA đã bình phục được 85%.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Lý – Trưởng Đơn vị Điều trị liệt mặt – Bệnh viện YHCT Đà Nẵng ; “ Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại di chứng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Bệnh càng để lâu càng khó chữa nên người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Tùy từng nguyên nhân và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp như: Châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt, thủy châm, chiếu tia hồng ngoại, dùng thuốc đông tây y kết hợp để tăng hiệu quả điều trị”
Để phòng bệnh : Cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn tai mũi họng. Tránh gió lạnh đột ngột, không nên để điều hòa, quạt máy thẳng vào mặt. Ban đêm không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Thời tiết lạnh, khi đi ra ngoài cần có dụng cụ che chắn để giữ ấm, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe.